Kiến thức

Trở về

Phân tích đồ thị nến Nhật trong đầu tư chứng khoán (Kỳ I)

Mô hình nến Nhật là một công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến hàng đầu, được các nhà đầu tư chứng khoán sử dụng để mô tả biến động giá của chứng khoán. Trong bài viết này,  chúng tôi sẽ cung cấp cho người đọc những kiến thức chi tiết về mô hình nến Nhật, cách thức đọc và phân tích biểu đồ nến Nhật. 

 

1. Nguồn gốc đồ thị nến Nhật

Các mô hình nến Nhật Bản có nguồn gốc từ một thương nhân gạo Nhật Bản tên là Munehisa Homma. Munehisa Homma sinh năm 1724 ở thành phố cảng Sakata. Năm 1750 Homma bắt đầu buôn bán, trao đổi gạo tại địa Sakata – một trong những khu vực thu gom và phân phối gạo Nhật Bản thời bấy giờ. Sau khi tiếp quản tài sản gia đình, ông đến Osaka – trung tâm giao dịch gạo lớn nhất Nhật – bắt đầu giao dịch những hợp đồng tương lai gạo. Khi đó hợp đồng tương lai gạo (thời bấy giờ gọi là văn tự) đã được giao dịch rộng rãi ở Nhật, cụ thể, năm 1749 có 110.000 thùng gạo được giao dịch tại Osaka trong khi cả nước Nhật mới chỉ có khoảng 30.000 thùng gạo.

Munehisa Homma đã phát minh ra “đồ thị cây nến” (bây giờ chúng ta gọi là biểu đồ nến Nhật) để biểu hiện biến động giá cả trên thị trường trong nhiều năm liền. Sau khi vẽ chúng, ông nghiên cứu, đối chiếu với các tác động của các nhân tố như biến động thời tiết, tình hình kinh tế, chính sách thuế của nhà nước, … để tìm ra quy luật chuyển động giá. Sau nhiều năm nghiên cứu, Munehisa Homma đã có một phi vụ đầu cơ nổi tiếng đi vào lịch sử có tên “ba ngày mua, một ngày bán”. Trong 3 ngày liên tục, ông chỉ mua vào mà không hề bán ra, ông nhận được rất nhiều sự tò mò và cả nhạo báng. Trong 3 ngày đó, rất nhiều thông tin tốt về mùa màng được đưa ra. Đến ngày thứ tư, liên tiếp các thông tin mất mùa đổ về, giá gạo tăng vọt nhưng không còn lúa gạo hay văn tự để mua, tất cả đều phải mua của Homma. Chỉ trong 4 ngày, Munehisa Homma không chỉ trở thành người giàu nhất Nhật Bản mà còn kiểm soát toàn bộ thị trường gạo Nhật Bản lúc bấy giờ.

Sau đó, Munehisa Homma đến Tokyo để làm cố vấn tài chính cho Nhật Hoàng và thắng 100 phi vụ đầu cơ liên tục. Từ đó ông được mệnh danh là “Chúa tể thị trường”. 200 năm sau, các mô hình nến và biểu đồ nến Nhật mới được giới thiệu đến thế giới phương tây bởi Steve Nison, trong cuốn sách Kỹ thuật biểu đồ nến Nhật Bản (Japanese candlestick charting techniques).

2. Cấu tạo biểu đồ nến Nhật

Biểu đồ Nến là một cách hiệu quả để hình dung biến động giá. Có hai dạng nến cơ bản:

- Bullish Candle – Nến Tăng: Có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa (thường biểu thị bằng  màu xanh lá cây hoặc màu trắng).

- Bearish Candle – Nến Giảm: Có giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa (thường biểu thị màu đỏ hoặc đen).

Các thành phần cấu trúc của nến trong đồ thị chứng khoán: 3 thành phần chính:

- Upper Shadow – Bóng Nến Trên: đường thẳng đứng giữa giá cao nhất trong ngày và đóng cửa (nến tăng) hoặc mở (nến giảm).

- Real Body – Thân Nến: Phần rộng nhất của một “cây nến” gọi là “thân” của nến. Phần này mô tả thể hiện khoảng cách giữa giá mở cửa và giá đóng cửa của phiên. Nếu giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, phần thân có màu xanh, ngược lại sẽ có màu đỏ.

Lower Shadow – Bóng Nến Dưới: đường thẳng đứng giữa giá thấp nhất trong ngày và mở cửa (nến tăng) hoặc đóng cửa (nến giảm). 

Người ta đặt tên nó là biểu đồ nến bởi phần thân với phần đường thẳng giá cực điểm cho ta hình ảnh cây nến và phần bấc để đốt cháy của nó.​

3. Nến nhật trong đầu tư chứng khoán

Trong một thị trường chứng khoán có xu hướng, một mẫu hình nến đảo chiều xuất hiện hàm ý rằng xu hướng trước đó rất có khả năng đã thay đổi, nhưng không nhất thiết theo chiều ngược lại. Có thể lấy ví dụ một xu hướng giảm giống như một chiếc xe ô tô đang chạy về phía trước với vận tốc 50km/h. Khi đèn phanh bật sáng (mẫu hình đảo chiều xuất hiện), chiếc xe sẽ chạy chậm lại. Người lái xe có thể sẽ quay lại, đứng yên hoặc quyết định chạy tiếp.

a. Hammer và Hanging man

Tiêu chuẩn đánh giá nến là Hammer và hanging man:

- Thân nến nằm trong phần trên của phạm vi giao dịch, không quan trọng màu sắc của thân nến

- Độ dài của bóng dưới gấp tối thiểu hai lần thân nến

- Nến đó không có hoặc bóng trên rất ngắn

Sự khác nhau của hai cây nến là ở chỗ nó nó chỉ ra xu hướng giảm hay tăng có thể đã kết thúc tùy thuộc vào vị trí xuất hiện của chúng:

- Nếu cổ phiếu trong xu hướng giảm, cây nến trên gọi là Hammer – Nến búa. Ngày nay người Nhật còn gọi nó là takuri – giống như đo độ sâu của dòng nước với cảm giác đang đứng ở đáy. Hammer màu xanh (nến tăng) có hàm ý xu hướng giảm giá đã kết thúc - tăng giá bắt đầu tin cậy hơn hammer màu đỏ (nến giảm). Hammer xanh mang ý nghĩa rằng thị trường chứng khoán đã bị bán tháo gần như suốt phiên và sau đó bật trở lại vào lúc gần kết phiên với mức giá đóng cửa gần như cao nhất phiên và thậm chí còn cao hơn giá mở cửa – phe mua đã thắng thế.

- Nếu cổ phiếu trong xu hướng tăng, cây nến trên gọi là Hanging man – Nến người treo cổ - trông nó giống như một người bị treo cổ với cái chân lủng lẳng. Ngược lại với hammer, hanging man màu đỏ (nến giảm) thể hiện rằng mặc dù phe mua đã nỗ lực nhưng không thể đưa giá trở lại mức giá mở cửa; có hàm ý giảm giá tin cậy hơn hanging man màu xanh (nến tăng).

Tuy nhiên, với Hammer/hanging man nhà đầu tư chứng khoán nên đợi tín hiệu xác nhận để chắc chắn xu hướng trước đó đã được thay đổi. Tín hiệu xác nhận có thể là một khoảng trống (window), một cây nến tăng/giảm giá.

Hình ảnh: Hammer ngày 3/2 và 13/3/2020 và Hanging 14/4/2020 man trên đồ thị VN-Index

Hình ảnh: Nến Hanging man trên đồ thị cổ phiếu BID  ngày 21/12/2020

 

b. Engulfing Candle (Nến nhấn chìm)

Engulfing là một mẫu hình đảo chiều gồm hai cây nến đối lập, trong đó nến sau dài hơn và bao trọn toàn bộ nến trước. Engulfing gồm hai loại là Bullish Engulfing (Nhấn chìm tăng) và Bearish Engulfing (Nhấn chìm giảm).

Tiêu chuẩn với mẫu hình engulfing:

- Thị trường phải trong một xu hướng rõ ràng (tăng hoặc giảm giá). Chấp nhận xu hướng đó là xu hướng ngắn hạn

- Thân nến thứ hai phải áp đảo thân nến trước đó, nhưng không nhất thiết áp đảo cả phần bóng nến

- Thân nến thứ hai phải có màu đối lập với thân nến đầu tiên, trừ trường hợp nến đầu tiên gần như một doji (doji là nến có giá mở cửa và giá đóng cửa bằng nhau).

Hình ảnh: Cặp nến Engulfing trên đồ thị cổ phiếu BID ngày 7/1 và 29/1/2021

 

c. Dark-cloud cover (Mây đen che phủ)

Đây là mẫu hình hai cây nến đảo chiều ở đỉnh sau một xu hướng tăng giá, hoặc đôi khi ở đỉnh của một dải hẹp.

Cây nến đầu tiên của mẫu hình này là một cây nến xanh với giá tăng mạnh mẽ. Cây nến thứ hai có giá mở cửa cao hơn giá đóng cửa của hôm trước, tuy nhiên vào phiên thứ hai lại đóng cửa ở mức thấp của phiên và vào tối thiểu 50% thân cây nến trắng. Mức độ xâm nhập của cây nến thứ hai càng lớn thì khả năng thị trường chứng khoán đã lập đỉnh càng cao.

Thị trường chứng khoán sẽ có xác suất giảm càng cao khi mẫu hình mây đen che phủ xuất hiện cùng các yếu tố như (1) thân nến thứ hai mở cửa trên ngưỡng kháng cự mạnh và sau đó rớt xuống, hoặc (2) đầu phiên thứ hai khối lượng giao dịch rất lớn (nhiều khả năng thị trường lúc này đã rơi vào trạng thái quá mua).

Hình: Đồ thị cổ phiếu VIX xuất hiện 2 lần mẫu hình Mây đen che phủ ngày 22/12/2020 và 18/1/2021

d. Piercing pattern (Nến xuyên)

Đối lập với Dark-cloud cover (mây đen bao phủ), piercing là mẫu hình đảo chiều ở đáy. Nó bao gồm hai thân nến trong xu hướng giảm. Thân nến đầu tiên màu đỏ với giá giảm mạnh. Thân nến thứ hai màu xanh, có giá mở cửa rất thấp, dưới cả mức thấp nhất của cây nến giảm trước đó. Cây nến thứ hai đóng cửa xâm nhập tối thiểu 50% thân nến đỏ thứ nhất. Mức độ xâm nhập của cây nến thứ hai càng lớn thì khả năng thị trường chứng khoán đã tạo đáy càng cao.

Trái ngược với mẫu hình Mây đen che phủ, Thị trường chứng khoán sẽ có xác suất tạo đáy càng cao khi mẫu hình nến xuyên này xuất hiện cùng các yếu tố như (1) thân nến thứ hai mở cửa dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh và sau đó bật lên, hoặc (2) đầu phiên thứ hai khối lượng giao dịch rất lớn (nhiều khả năng thị trường lúc này đã rơi vào trạng thái quá bán).

Hình ảnh: Mẫu hình Piercing Pattern trên đồ thị cổ phiếu HSG ngày 28/5/2018

Kiều Phượng - SI